Ngoài ẩm thực độc đáo, cảnh đẹp sinh thái miệt vườn cực chill, điều khiến vùng đất Bến Tre thu hút du khách còn nằm ở các công trình tín ngưỡng tôn giáo đặc sắc. Nổi bật trong đó là khu Di tích Đạo Dừa Bến Tre. Đây được xem là một địa điểm tham quan được lòng rất nhiều vị khách thập phương. Hãy để BenTretoplist bật mí cho bạn nơi này có gì thú vị?
Di tích Đạo Dừa Bến Tre ở đâu?
Trong hành trình khám phá các điểm độc đáo của du lịch miền tây, sẽ rất thiếu sót nếu như bạn bỏ qua địa chỉ Di tích Đạo Dừa Bến Tre. Khu di tích này nằm ở Cồn Phụng thuộc ấp Tân Vinh, xã Châu Thành, Bến Tre hiện nay. Ngày nay khi ghé thăm Cồn Phụng, rất nhiều du khách cũng lựa chọn di tích này làm điểm thăm thú. Đến đây là dịp để bạn có thể khám phá những nét kiến trúc độc đáo, lắng nghe những câu chuyện liên quan đến Đạo Dừa.
Khu di tích này còn được gọi là “Nam Quốc Phật” gắn liền với cuộc đời của ông Đạo Dừa tại Bến Tre. Sau gần 50 năm từ khi thành lập, khu di tích vẫn còn lưu giữ những dấu ấn đặc trưng của tôn giáo này. Để ngày hôm nay, chúng ta có được một điểm du lịch đặc sắc khó lẫn vào đâu được tại vùng đất xứ dừa.
Nguồn gốc và câu chuyện tín ngưỡng ở Khu Di Tích Đạo Dừa Bến Tre
Đầu tiên, chúng ta cần điểm qua một vài nét về Đạo Dừa. Đạo này do Giáo chủ Nguyễn Thành Nam thành lập nên. Sinh ra trong một gia đình có gia thế, ông được du học sang Pháp. Đây cũng là thời điểm để ông hình thành hệ tư tưởng liên quan đến tôn giáo và học hỏi kiến trúc,… Chính vì thế, khi trở về quê hương, dù đã lập gia đình nhưng ông vẫn ngồi thiền tu tập và sáng lập ra Đạo Dừa vào năm 1963. Ông Đạo Dừa cũng từng đứng ra tranh cử tổng thống ở miền Nam Việt Nam.
Đạo giáo này từ khi được thành lập đã thu hút rất nhiều người tham gia. Có thể thấy rằng ở giáo phái này có sự pha trộn giữa nhiều tôn giáo bao gồm Phật giáo, Kitô giáo, Ấn Độ giáo,… Chủ trương của tôn giáo này là ủng hộ hòa bình và hòa đồng tôn giáo. Điều này thể hiện qua việc ông Đạo Dừa cũng nuôi mèo và chuột chung lồng. Dù đối nghịch nhưng chúng vẫn chung sống hòa bình với nhau.
Đạo cũng khuyến khích con người sống hành thiện, biết yêu thương, tôn trọng lễ nghĩa. Điều đặc biệt làm nên cái tên Đạo Dừa đó là tôn giáo này dành tình yêu lớn cho dừa. Các tín đồ thường được khuyên nên ăn và uống nước dừa. Người tu đạo sẽ không cần tụng kinh, gõ mõ. Chỉ cần ngồi thiền tịnh khẩu, tưởng niệm và uống nước dừa.
Kiến trúc độc đáo của Khu Di Tích Đạo Dừa Bến Tre
Đạo Dừa bị cấm hoạt động kể từ sau năm 1975. Tuy nhiên đạo giáo này vẫn lén lút hoạt động, truyền bá tư tưởng. Mãi cho đến 1990 thì không còn ai theo đạo này nữa. Một phần do Đạo Dừa không có giáo lý, đường lối rõ ràng. Một phần do những quy luật khắt khe sau này với tín đồ và hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, qua thời gian dài hoạt động sôi nổi, đạo này cũng để lại cho đời sau một di tích độc đáo. Điều đó thể hiện qua những công trình kiến trúc đặc sắc. Sau đây là một vài hạng mục kiến trúc nổi bật ở Di tích Đạo Dừa Bến Tre.
Cổng Tam Quan
Khu vực cổng này có kiểu kiến trúc giống như Hoàng Thành Huế. Khi đến tham quan di tích này, đây cũng là địa điểm thú vị để bạn có thể dừng lại check in sống ảo. Chiếc cổng được xây dựng bề thế với 3 cửa đi. Điều làm nên sức hút của cổng đó là các hoa văn chạm trổ tinh xảo.
Màu sắc cổng rực rỡ với các gam màu cổ điển. Các chi tiết trên cổng cao được thiết kế thể hiện các biểu tượng của tôn giáo.
Sân Cửu Đỉnh
Bước vào trung tâm của Di tích là khu vực Sân Cửu Đỉnh. Nơi đây đặc trưng với kiến trúc 9 trụ cột hình rồng được chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ. Khi xưa, đây là nơi hành lễ của các tín đồ theo Đạo Dừa.
Ý đồ của ông Nguyễn Thành Nam khi xây dựng nơi này nhằm tượng trưng cho Cửu Long và đạo bất tạo con của ông. Xung quanh là các cổng chào, lối đi, các tháp cao, mô hình núi, hang.
Cửu Đỉnh
Đi vào cổng khu hành lễ, bạn sẽ bắt gặp một lư hương lớn. Bên ngoài lư hương sở hữu vẻ đẹp độc đáo được tạo thành do những mảnh vỡ của đồ sành sứ. Trên đó có khắc hình và bạn cũng có thể theo dõi vắn tắt được lai lịch Đạo Dừa.
Tháp Cửu Trùng Đài
Tòa tháp này được xem là tòa bát quái có 9 tầng. Nơi đây hội tụ linh khí đất trời. Do đó, ông Nguyễn Thành Nam thường chọn tháp làm nơi truyền bá đạo cho giáo chúng. Công trình này cũng được xây dựng với kiến trúc tinh xảo, bề thế.
Đường đi Bắc Nam
Gần Cửu Trùng Đài là khu vực Đường đi Bắc Nam. Ở đây có hai ngọn tháp mang tên “ Miền Bắc Hà Nội” và “ Miền Nam Sài Gòn”. Hai tháp được nối với nhau bởi một chiếc cầu.
Điều này thể hiện cho mong muốn thống nhất đất nước. Khu vực đỉnh tháp miền Bắc chính là nơi ngồi thiền của ông Đạo Dừa. Muốn lên được đỉnh phải đi lên các dãy cầu thang sắt đến đỉnh miền Nam và qua cầu sang đỉnh miền Bắc.
Phi thuyền Apolo
Một công trình độc đáo ở Di tích Đạo Dừa Bến Tre đó là Phi thuyền Apolo. Đây là một mô hình trông giống phi thuyền được làm bằng tôn. Tương truyền đây là nơi để ông Đạo Dừa thỉnh thị thánh chỉ của Ngọc Hoàng. Sâu xa hơn, ngọn tháp này thể hiện ước mơ chinh phục vũ trụ. Phản ánh sự bao dung vô bờ của Đạo Dừa vượt ra khỏi không gian.
Quả địa cầu
Khu vực này trông giống như một mô hình quả địa cầu. Đây là một lồng thép khá lớn được tạo hình cầu đặt trên tòa sen. Dụng ý của việc xây dựng mô hình này đó là thể hiện mong muốn hòa bình của đạo.
Qua những chia sẻ vừa rồi, chắc hẳn bạn cũng đã biết ở Khu Di Tích Đạo Dừa Bến Tre có những điều thú vị gì rồi đấy. Nếu chưa đặt chân đến đây sẽ là một điều thiếu sót cho chuyến đi của bạn. Vì thế, BenTretoplist hy vọng rằng bạn có thể dành thời gian ghé qua địa điểm này một lần để khám phá nhé.
Xem thêm:
Top 8 danh lam thắng cảnh của Bến Tre
Top 10 bến phà ở Bến Tre
Du ngoạn Cồn Phụng Bến Tre